Trả lời e-mail của chuyên trang ô tô Inside Line, ông Mike Michels, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Toyota Motor Sales U.S.A., cho biết: “Phần lớn hoạt động của chúng tôi là ở quận Aichi, cách xa vùng động đất và các nguồn nhiễm xạ. Xe được bọc kín bằng tấm phủ nhựa trên tàu và rửa sạch tại các cơ sở xử lý trước khi chuyển tới các đại lý. Đây là thủ tục thông thường. Ngoài ra, Hải quan và Cục An ninh nội địa Mỹ vẫn thường xuyên kiểm tra phóng xạ đối với tất cả hàng hóa nhằm ngăn chặn âm mưu khủng bố”.
“Chúng tôi đảm bảo rằng tất cả xe chuyển tới khách hàng mỗi ngày đều an toàn,” ông Michels nói.
Trong khi đó, ông David Reuter, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Nissan Mỹ, cũng khẳng định rằng, công ty kiểm soát tình hình chặt chẽ và sẽ có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn. Ông cho biết phần lớn nhà máy của Nissan không nằm trong khu có thể bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ.
Tuy nhiên, nhà máy động cơ Iwaki của Nissan chỉ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 50km, trong khi nhà máy điện này đang là trung tâm khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản.
Ông Reuter cho biết, nếu có bất cứ chất phóng xạ nào dính vào xe và linh kiện, phụ tùng thì công ty sẽ triển khai tất cả các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng chất có hại không được đưa vào Mỹ và lan sang các đối tác, trong đó có khách hàng.
Honda cũng đã lên tiếng đảm bảo với người tiêu dùng Mỹ về nguy cơ nhiễm xạ trong xe ô tô xuất khẩu từ Nhật Bản.
“Về việc nhiễm xạ, các nhà máy của chúng tôi không nằm ở bất cứ nơi nào gần các lò phản ứng bị ảnh hưởng bởi động đất,” ông Edward K. Miller, giám đốc truyền thông của Honda Bắc Mỹ cho biết.
Ông Miller bổ sung thêm rằng trong năm 2010, 87% xe Honda bán tại Mỹ được sản xuất ngay tại Mỹ. Honda chỉ nhập khẩu 13% xe nguyên chiếc vào Mỹ.
Nissan có một nhà máy lắp ráp ở Tochigi, còn Honda có một nhà máy phụ tùng động cơ ở Tochigi, cách các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại do động đất ở Fukushima khoảng 160km.
Mazda Bắc Mỹ hiện chưa trả lời email của Inside Line về vấn đề này.
Những lo lắng về bụi phóng xạ đã khiến nhiều hãng hàng không hủy các chuyến bay tới Sân bay quốc tế Narita - Tokyo. Các hãng hàng không Lufthansa, KLM và Air China đã hủy các chuyến bay sau khi phát hiện một lượng phóng xạ nhỏ ở Tokyo sau vụ cháy lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Mỹ hiện chưa gặp trường hợp có nguy cơ nhiễm phóng xạ nào đối với hàng hóa nhập khẩu Nhật Bản.
Nhật Minh
Theo Inside Line
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe
0 nhận xét: on "Không có nguy cơ nhiễm xạ ở ô tô nhập khẩu từ Nhật"
Đăng nhận xét