Triển lãm ôtô Paris hoa lệ vốn không phải là nơi dành cho xe Mỹ. Nhưng năm nay, giới truyền thông Pháp không thể không nhắc tới nhân vật được coi như "ngôi sao nhạc rock" trong làng xe hơi Alan Mulally, giám đốc điều hành Ford Motor.
"Hôm nay, Ford đã ở vị thế hoàn toàn khác", Mulally nói trước truyền thông ở khu trưng bày Parte de Versaille, triển lãm Paris hồi tháng 9. "Chúng tôi hồi phục nhanh hơn dự kiến".
Con đường đưa Ford từ chỗ lỗ nặng đến khi có lãi không hề bằng phẳng. Khi Mulally lên nắm quyền vào 2006, hãng xe Mỹ lỗ tới 17 tỷ USD riêng trong năm đó. Hàng loạt công ty con rơi vào khủng hoảng như Aston Martin, Jaguar, Land Rover, Mazda và Volvo.
Alan Mulally nổi tiếng là người cởi mở, luôn tươi cười trước giới truyền thông. Ảnh: Ford. |
"Điều quan trọng nhất là chúng tôi không có một danh mục sản phẩm đủ mạnh. Không phân khúc nào có xe Ford ở vị trí dẫn đầu và vì thế, mất thị trường và lỗ là đương nhiên", Mulally nói với CNBC.
Trước đó, Ford còn đang nổi như cồn, rủng rỉnh tiền mặt và những vụ thâu tóm từ xe sang đến xe bình dân ở châu Âu. Nhưng hàng loạt sự cố triệu hồi, giá dầu lên cao khiến dòng SUV và xe cỡ lớn lâm nguy.
"Chúng tôi bị lạc lối khi ở đỉnh cao và phải trả giá cho điều đó", Bill Ford, cháu nội của nhà sáng lập Henry Ford nói.
Năm 2006, Bill Ford có một trong những quyết định đúng đắn nhất sự nghiệp làm chủ tịch của mình. "Lúc đó, tôi là Chủ tịch, là giám đốc điều hành, giám đốc kinh doanh và kiêm luôn chức Tổng Giám đốc. Tôi 'đội' tất cả các chức".
Ban giám đốc hỏi Bill Ford: "Anh cần gì? Một CEO hay COO?". "Tôi không quan tâm. Điều quan trọng là đúng người".
"Đúng người" ở đây chính là Alan Mulally, CEO đã có công hồi sinh Boeing. Nhưng nội bộ Ford lại không hoàn toàn thống nhất. Một vài người lo ngại Mulally không hiểu hết sự phức tạp của tập đoàn cũng như gốc rễ vấn đề.
Nhưng Mulally đã nói với Bill: "Công ty ông quản lý khoảng 3.000 bộ phận. Trong khi tôi từng điều hành một hãng sử dụng tới 30.000 chi tiết và bay trên trời. Vậy cái gì phức tạp hơn".
Một trong những việc đầu tiên Mulally làm khi điều hành Ford là dẫn các quan chức tới đường đánh giá xe của tạp chí Consumer Reports, ấn phẩm có ảnh hưởng tới hàng triệu khách hàng Mỹ. Ở đó, Mulally biết được mức độ không hài lòng về chất lượng xe Ford như thế nào.
"Tôi đã không động tới chiếc xe Ford nào trong suốt 8 năm", David Champion, giám đốc bộ phận đánh giá xe của Consumer Reports nói.
Những ngày sau đó, Mulally thực hiện chiến dịch "bàn tay sắt" với hàng loạt cuộc họp lãnh đạo cấp cao nhằm tìm ra vấn đề quan trọng nhất. Trước khi ông tới, không ai quan tâm xem họ đang làm sai điều gì. Nhưng tất cả đã thay đổi.
Trong buổi họp chuẩn bị cho lễ ra mắt chiếc crossover Edge, Mark Fields thông báo một tin rất xấu. Vài sự số liên quan tới hệ thống thủy lực khiến việc ra mắt có thể lùi 2 tuần.
Cả căn phòng chìm trong im lặng. Mulally lập tức đồng ý với đề xuất lùi thời gian trình làng.
Đó là thời khắc lịch sử. Một quyết định nhỏ thực ra là dấu hiệu cho thay đổi lớn. Các quan chức cảm thấy thoải mái và tập trung phân tích vấn đề của Edge.
Giải pháp mà Mulally áp dụng cho Ford có tên gọi "One Ford". Cắt giảm nhân sự của Ford Bắc Mỹ tới 40%. Bán các nhãn hiệu Aston Martin, Jaguar hay Land Rover. Thúc đẩy nghiên cứu sản phẩm mới, thiết kế lại chiếc Taurus, Focus và Fiesta. Cùng với đó, hàng loạt mẫu xe cũ kỹ bị khai tử như Crown Victoria hay cả thương hiệu Mercury.
"Bạn không thể có đẳng cấp thế giới khi đứng trên 97 thứ khác nhau. Ở Ford, mỗi mẫu xe có hệ thống sản xuất khác nhau. Mỗi thương hiệu hoạt động theo cách riêng của mình", Mulally nói.
Tham vọng của vị CEO này rất lớn và nó tiêu tốn số tiền lớn hơn nhiều ngân sách lúc đó của Ford. Bắt đầu từ tháng 11/2006, Mulally làm mọi cách để biến kế hoạch thành hiện thực.
"Tôi không bao giờ quên thời khắc bước chân vào Waldorf Astoria, nơi 520 ngân hàng ngồi nghe thuyết trình về kế hoạch hồi sinh. Hai tuần sau, chúng tôi đã có được 23,5 tỷ USD".
Đó là canh bạc lớn. Nhưng hai năm sau, nền kinh tế suy thoái (2008) khiến các công ty lớn rơi vào cơn lốc phá sản, Ford có đủ tiền mặt để vượt qua. Khi General Motors và Chrysler tới quốc hội Mỹ xin tiền thì Mulally đến với tư cách trợ giúp đối thủ. Bởi nếu GM và Chrysler phá sản hoàn toàn, hàng loạt nhà cung cấp sẽ sụp đổ theo, khiến Ford cũng không thể sống được.
Tại cuộc thuyết trình đó, Mulally nghe được những điều kỳ lạ, theo như lời ông nói với các đại lý. Giám đốc điều hành Robert Nardelli của Chrysler và Rick Wagoner của GM đã chấp nhận mức lương 1 USD mỗi năm, nhằm đưa công ty khỏi khủng hoảng.
Các thành viên quốc hội hỏi: "Mulally, ông nghĩ sao về mức lương 1 USD". "Tôi đã cân nhắc điều đó. Nhưng phải nói 'không'. Tôi hài lòng về vị trị của mình ở Ford".
Đến cuối 2009, doanh số Ford bắt đầu đi lên. Mùa hè 2010, Ford có mức tăng trưởng tốt nhất trong ngành công nghiệp ôtô. Khách hàng trở lại showroom để tìm kiếm sự khác biệt. Đó là chất lượng được nâng lên.
Năm 2010, Consumer Reports đưa một loạt xe Ford lên hàng gần top về chất lượng. Trong khi mới vài năm trước, ấn phẩm này đã có những cú đánh chí mạng.
Tổng thống Obama cũng ghi nhận sự trở lại ngoạn mục của Ford khi phát biểu với CNBC: "Ford đã có những quyết định đúng đắn để ở vào vị trí tốt hơn các đối thủ. Vì đó, hãng xe này đáng được chúc mừng".
Hiện Mulally vẫn đang lèo lái con thuyền Ford. Nhưng trước mắt ông còn nhiều thử thách. Công đoàn xe hơi Mỹ UAW muốn có thỏa thuận mới, sau khi nhượng bộ cho các hãng xe gặp khủng hoảng. Ngoài ra, sớm hay muộn thì Ford cũng phải đối phó với hơn 40 nhà sản xuất đến từ Trung Quốc.
Nhưng với tài quản lý của Mulally, Ford có đủ động lực để tự tin.
Trọng Nghiệp (theo CNBC) - VnExpress
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe
0 nhận xét: on "Ford đã hồi sinh kỳ diệu như thế nào"
Đăng nhận xét