Ô tô là cỗ máy phức tạp gồm nhiều bộ phận phối hợp hoạt động. Chi phí sửa chữa có thể giảm đáng kể nếu người lái chú ý hơn một chút tới xe và mang xe tới xưởng dịch vụ sớm hơn.
Dưới đây là một số gợi ý chắc chắn giúp xe bạn hoạt động kinh tế và bền hơn.
Trước tiên, hãy chú ý hệ thống đèn cảnh báo trên bảng điều khiển khi bạn bật chìa khoá điện. Có rất nhiều loại đèn cảnh báo trên xe nên có thể bạn sẽ cần tới cuốn hướng dẫn sử dụng xe để giải mã chúng.
Thông thường, sau khi bạn bật chìa khoá, toàn bộ đèn trên bảng điều khiển sẽ sáng lên vài giây, sau đó tắt ngay. Nếu vẫn còn đèn sáng, màu sắc đèn thể hiện mức độ nguy hiểm:
- Đèn màu vàng hay hổ phách cảnh báo xe có thể đang có vấn đề nhưng vẫn còn chạy được, ít nhất là tới xưởng dịch vụ.
- Màu đỏ thể hiện cấp độ nguy hiểm nhất và có thể xe của bạn đang trong tình trạng không đủ an toàn để khởi hành. Trong trường hợp này, tốt nhất là gọi cứu hộ hoặc một ai đó am hiểu về kỹ thuật tới giúp.
Đặc biệt, nếu đèn đỏ báo áp lực dầu sáng (ảnh trên) ngay cả khi xe đã lăn bánh, tức là mất áp lực dầu bôi trơn động cơ, do thiếu dầu, hay dầu quá loãng, hết độ nhớt. Việc bạn cần làm là lập tức dừng xe, tắt máy, mở nắp ca-pô và đợi ít phút rồi kiểm tra thước thăm dầu nếu bạn có chút am hiểu về kỹ thuật, nếu không, hãy gọi dịch vụ cứu hộ khẩn cấp để gara cử thợ tới ứng cứu, hoặc cho kéo xe tới thẳng xưởng dịch vụ.
Hệ thống đồng hồ báo trên bảng điều khiển cũng rất quan trọng. Các đồng hồ báo nhiệt độ có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng ít nhất cũng cho biết tình trạng động cơ. Hãy tìm hiểu vị trí nào là “bình thường” của kim đồng hồ chỉ nhiệt độ động cơ, để sau đó theo dõi được sự thay đổi. Nếu kim đồng chỉ quá vị trí “bình thường” nghĩa là động cơ đang bị quá tải, như khi xe leo núi, hoặc động cơ bị nóng quá do mức nước làm mát thấp, hoặc bộ tản nhiệt có vấn đề. Hãy về số thấp, tắt điều hoà và thậm chí là bật sưởi là những cách để hạ nhiệt động cơ nếu kim đồng hồ báo nhiệt độ động cơ vượt quá xa mức “bình thường”.
Nếu đồng hồ tiếp tục tăng, tốt nhất bạn nên dừng xe tắt máy. Động cơ có thể hỏng nếu hoạt động ở nhiệt độ quá nóng. Đầu xy-lanh bằng nhôm sẽ bị cong và miếng đệm đầu xy-lanh sẽ bị hỏng. Chi phí sửa chữa sẽ rất cao chỉ vì bạn chạy xe với động cơ quá nóng.
Một việc làm cũng không kém phần quan trọng là hãy nhìn lại chỗ bạn vừa đậu xe xem có vệt ướt nào mới không. Nhiều trường hợp tình trạng rò rỉ chất lỏng ban đầu chỉ rất nhỏ, để lại một vài giọt nhỏ ở mặt nền bên dưới xe suốt một thời gian dài rồi mới bắt đầu những trục trặc thực sự.
Điều hoà thường nhỏ nước xuống nền vào mùa hè, ở vị trí gần phía trước cửa bên ghế phụ, nhưng nếu chất lỏng có màu đỏ hoặc nâu, thì đó thường là dầu. Nếu là màu xanh hoặc vàng thì có thể là nước làm mát động cơ. Nếu phát hiện sớm, bạn có thể sửa lỗi rò rỉ mà không tốn kém nhiều lắm.
Tiếng ồn cũng là dấu hiệu cho thấy xe đang có trục trặc. Tiếng kim loại va vào nhau khi bạn chạy xe vào chỗ xóc có thể là do ống lót hệ thống treo bị mòn hoặc lỏng khớp hệ thống lái. Hãy đưa xe đi kiểm tra ngay.
Bạn cũng có thể nghe tiếng kim loại va vào nhau khi sang số. Sự vận hành hoặc các khoảng trống trong đường truyền cho phép các bộ phận dịch chuyển nhẹ và nó có thể tạo tiếng kêu như một chiếc búa nhỏ gõ vào thanh thép, nhưng nếu tiếng gõ lớn hơn hoặc vẫn tiếp tục khi xe chạy hoặc ôm cua, có thể là trục nối nhiều chiều ở trục cam hoặc trục bánh xe có vấn đề.
Lời khuyên ở đây là hãy lưu tâm tới bất cứ tiếng động bất thường nào của xe. Tất cả ô tô khi vận hành đều gây tiếng động, nhưng một sự thay đổi thường báo hiệu nguy cơ tiềm ẩn.
Bạn có thể dùng các giác quan của mình để phát hiện trục trặc của xe. Tất cả những gì bạn cần làm là hãy nắm rõ đặc tính của xe và chú ý tới những thay đổi, dù nhỏ.
Theo Dân trí
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe
0 nhận xét: on "Cách nhận biết sớm trục trặc kỹ thuật của xe"
Đăng nhận xét