Hình ảnh người đi bộ băng đường, leo dải phân cách, len lỏi giữa các phương tiện giao thông là cảnh thường thấy ở TPHCM
Theo ghi nhận của Dân trí trên các tuyến quốc lộ tại TPHCM, dù cơ quan chức năng đã đầu tư nhiều tiền bạc để xây dựng hệ thống dải phân cách nhưng người dân vẫn cố tình trèo qua dải phân cách, vô tư băng đường ngay trước dòng xe ô tô lưu thông nườm nượp.
Tình trạng này xảy ra trên hầu hết các tuyến quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn, tại những khu vực tập trung đông dân cư như quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Tân Túc (Bình Chánh), khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân), khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức); đoạn qua khu du lịch Suối Tiên trên Xa lộ Hà Nội (quận 9)…
Điều 12 của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 40 – 60 ngàn đồng đối với các hành vi không đi đúng phần đường quy định; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 60 – 80 ngàn đồng đối với các hành vi mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Phạt tiền từ 80 – 120 ngàn đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc.
Quy định rất cụ thể nhưng thực tế CSGT không thể thi hành xử phạt hành chính trong rất nhiều trường hợp. Thường gặp nhất là trường hợp người đi bộ vi phạm luật giao thông bị xử phạt nại lý do không mang theo tiền và CMND, CSGT cũng chỉ có thể nhắc nhở và cho đi.
Ngoài ra, vi phạm của người đi bộ rất nhiều và phổ biến nên lực lượng CSGT cũng không kiểm soát hết được. Trong trường hợp người đi bộ vô tư băng đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách… thì càng khó kiểm soát hơn. Bởi lực lượng CSGT thường chốt chặn tại các giao lộ, nhưng người đi bộ thường băng đường ở những nơi… tùy thích. Do đó, việc phát hiện được chỉ là “hú họa”.
Những khó khăn trên đã được Công an TPHCM trình bày nhiều lần trong các đợt sơ kết kết quả thực hiện nghị định 34 nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Chính vì thế, dù nghị định 34 đã quy định tăng nặng mức xử phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông có hiệu lực gần 5 tháng nay nhưng vi phạm của người đi bộ vẫn không có dấu hiệu chuyển biến.
Tuy nhiên, theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP thì trong 6 tháng đầu năm 2010 đã xảy ra đến 26 vụ tai nạn làm chết 19 người có liên quan đến người đi bộ, chỉ đứng sau nguyên nhân từ xe máy và xe tải. Do đó, cần có sự điều chỉnh kịp thời để khắc phục những khó khăn trên, tăng cường xử phạt người đi bộ để luật giao thông triệt để đi vào cuộc sống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.
Tùng Nguyên
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe
0 nhận xét: on "Người đi bộ “quên” luật giao thông"
Đăng nhận xét