Blog Luatgiaothong giúp bạn An toàn trên mọi nẻo đường...

Soạn BUY RV "Nội dung tin nhắn kết bạn, rao vặt" gửi 8785 (15000đ - trong ngày)
Loading...

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Luật đường sắt - Chương 7 - KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT

Kinh doanh đường sắt
Nghệ An: 15:47-09/11/2008

CHƯƠNG VII

KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT

Điều 83. Hoạt động kinh doanh đường sắt

1. Hoạt động kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt và kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt.

2. Kinh doanh đường sắt là kinh doanh có điều kiện. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, nội dung, trình tự cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đường sắt.

Điều 84. Bảo đảm không phân biệt đối xử trong kinh doanh đường sắt

Trong kinh doanh đường sắt không được có các hành vi phân biệt đối xử sau đây:

1. Cho phép sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và các dịch vụ phục vụ giao thông vận tải đường sắt với những điều kiện ưu tiên mà không có lý do chính đáng;

2. Đòi hỏi điều kiện an toàn giao thông vận tải đường sắt đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt cao hơn mức quy định do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;

3. Đưa ra điều kiện nhằm ưu tiên cho một doanh nghiệp cụ thể;

4. Không cho phép doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt mà không có lý do chính đáng;

5. Không cấp chứng chỉ an toàn đúng hạn hoặc trì hoãn trao chứng chỉ an toàn mà không có l‎‎ý do chính đáng;

6. Đưa ra điều kiện trái pháp luật để không cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt.

Điều 85. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt là hoạt động đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt để bán, khoán, cho thuê hoặc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, cung ứng dịch vụ phục vụ giao thông vận tải đường sắt và các dịch vụ khác trên cơ sở khai thác năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt của Nhà nước hoặc của tổ chức, cá nhân khác để hoạt động kinh doanh phải trả tiền thuê hoặc phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

3. Kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư giao cho doanh nghiệp kinh doanh thông qua đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

4. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt được kinh doanh đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.

Điều 86. Phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt là khoản tiền phải trả để được chạy tàu trên tuyến đường, đoạn tuyến đường sắt hoặc khu đoạn.

2. Giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt là khoản tiền phải trả để được sử dụng một hoặc một số công trình đường sắt không trực tiếp liên quan đến việc chạy tàu.

3. Thủ tướng Chính phủ quy định mức và phương thức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt không do Nhà nước đầu tư thì do chủ đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quyết định.

Điều 87. Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư

1. Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 88. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các quyền sau đây:

a) Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được cấp;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kết cấu hạ tầng đường sắt trong phạm vi mình quản lý phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật về kết cấu hạ tầng đường sắt;

c) Được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch đối với hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư trong phạm vi quản lý của mình;

d) Tham gia đấu thầu, thực hiện đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng đường sắt không do mình làm chủ đầu tư;

đ) Cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư;

e) Xây dựng và trình duyệt giá thuê, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; quyết định giá thuê, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư;

g) Tạm đình chỉ chạy tàu khi thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu;

h) Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi của tổ chức, cá nhân khác gây ra;

i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:

a) Quản lý vốn và tài sản thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư hoặc do Nhà nước giao theo quy định của pháp luật;

b) Duy trì trạng thái kỹ thuật, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt do mình quản lý bảo đảm giao thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt;

c) Công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng ổn định trong năm phù hợp với trạng thái kỹ thuật cho phép trên các tuyến đường, đoạn tuyến đường sắt, khu đoạn do mình quản lý để làm cơ sở cho việc chạy tàu;

d) Cung cấp các thông tin kỹ thuật, kinh tế liên quan đến năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt theo yêu cầu của khách hàng, tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt;

đ) Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đáp ứng nhu cầu vận tải và phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt;

e) Tổ chức phòng, chống và khắc phục kịp thời hậu quả do sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt gây ra để bảo đảm giao thông đường sắt an toàn, thông suốt; chịu sự chỉ đạo, điều phối lực lượng của tổ chức phòng, chống thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt theo quy định;

g) Thông báo kịp thời sự cố đe dọa an toàn chạy tàu và việc tạm đình chỉ chạy tàu cho trực ban chạy tàu ga ở hai đầu khu gian nơi xảy ra sự cố và nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt;

h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật;

i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 89. Kinh doanh vận tải đường sắt

1. Kinh doanh vận tải đường sắt gồm kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi và kinh doanh vận tải hàng hoá trên đường sắt.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chỉ được phép sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và được cung cấp các dịch vụ phục vụ giao thông đường sắt khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đường sắt;

b) Có chứng chỉ an toàn;

c) Có hợp đồng cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt của tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Điều 90. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có các quyền sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đường sắt được cấp;

b) Được đối xử bình đẳng khi tham gia kinh doanh vận tải đường sắt;

c) Sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trên các tuyến đường, đoạn tuyến đường sắt, khu đoạn theo hợp đồng sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt;

d) Được tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt bảo đảm chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt như đã cam kết;

đ) Được cung cấp thông tin kỹ thuật, kinh tế liên quan đến năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt;

e) Tạm đình chỉ chạy tàu của doanh nghiệp khi thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu;

g) Được bồi thường thiệt hại do lỗi của tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt hoặc doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt gây ra;

h) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức chạy tàu theo đúng lịch trình chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã được doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt công bố;

b) Trả phí, tiền thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và các dịch vụ phục vụ giao thông đường sắt;

c) Bảo đảm đủ điều kiện an toàn chạy tàu trong quá trình khai thác;

d) Phải thông báo kịp thời cho nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt về việc tạm đình chỉ chạy tàu của doanh nghiệp;

đ) Chịu sự chỉ đạo, điều phối lực lượng của tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt và của tổ chức phòng, chống thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt theo quy định;

e) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp các thông tin về nhu cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải cho tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt phục vụ cho việc xây dựng, phân bổ biểu đồ chạy tàu và cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;

h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 91. Hợp đồng vận tải hành khách

1. Hợp đồng vận tải hành khách là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với hành khách, người gửi bao gửi về vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi từ nơi đi đến nơi đến. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý, bao gửi xác định quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thoả thuận.

2. Vé hành khách là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận tải hành khách. Vé hành khách do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phát hành theo mẫu đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 92. Hợp đồng vận tải hàng hoá

1. Hợp đồng vận tải hàng hoá là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với người thuê vận tải, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hàng hóa từ nơi nhận đến nơi đến và giao hàng hoá cho người nhận hàng được quy định trong hợp đồng. Hợp đồng vận tải hàng hoá xác định quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thoả thuận.

2. Hoá đơn gửi hàng hoá là bộ phận của hợp đồng vận tải do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phát hành theo mẫu đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập hoá đơn và giao cho người thuê vận tải sau khi người thuê vận tải giao hàng hoá; có chữ ký của người thuê vận tải hoặc người được người thuê vận tải uỷ quyền. Hoá đơn gửi hàng hoá là chứng từ giao nhận hàng hoá giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.

3. Hoá đơn gửi hàng hoá phải ghi rõ loại hàng hoá; ký hiệu, mã hiệu hàng hoá; số lượng, trọng lượng hàng hoá; nơi giao hàng hoá, nơi nhận hàng hoá, tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và địa chỉ của người nhận hàng; cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; các chi tiết khác mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải thoả thuận ghi vào hoá đơn gửi hàng hoá; xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về tình trạng hàng hoá nhận vận tải.

Điều 93. Giá vé, cước vận tải đường sắt

1. Giá vé vận tải hành khách, cước vận tải hành lý, bao gửi, hàng hoá trên đường sắt do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định.

2. Giá vé, cước vận tải phải được công bố và niêm yết tại ga đường sắt trước thời hạn thi hành tối thiểu là năm ngày đối với vận tải hành khách, hành lý, bao gửi và mười ngày đối với vận tải hàng hoá, trừ trường hợp giảm giá.

3. Cước vận tải hàng siêu trường, siêu trọng do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải thoả thuận.

4. Việc miễn, giảm giá vé cho đối tượng chính sách xã hội thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 94. Vận tải quốc tế

1. Vận tải quốc tế là vận tải từ Việt Nam đến nước ngoài, vận tải từ nước ngoài đến Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam đến nước thứ ba bằng đường sắt.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia vận tải quốc tế phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 89 của Luật này và quy định của điều ước quốc tế về vận tải đường sắt mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 95. Vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt

1. Vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt là vận tải người, hàng hoá và trang thiết bị để khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, chống dịch, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về quốc phòng, an ninh.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 96. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt

Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt bao gồm:

1. Điều hành giao thông vận tải đường sắt;

2. Xếp, dỡ hàng hoá;

3. Lưu kho, bảo quản hàng hoá;

4. Giao nhận;

5. Đại lý vận tải;

6. Thuê, mua phương tiện, sửa chữa phương tiện;

7. Các dịch vụ khác liên quan đến việc tổ chức và thực hiện chuyên chở hành khách, hành lý, bao gửi và hàng hoá bằng đường sắt.

Điều 97. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt khi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu hành khách trả đủ cước vận tải hành khách, bao gửi và cước vận tải hành lý mang theo người vượt quá mức quy định;

b) Kiểm tra trọng lượng, quy cách đóng gói bao gửi của người gửi và hành lý ký gửi của hành khách trước khi nhận vận chuyển; trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của việc khai báo chủng loại bao gửi, hành lý ký gửi so với thực tế thì có quyền yêu cầu người gửi hoặc hành khách mở bao gửi, hành lý ký gửi để kiểm tra;

c) Từ chối vận chuyển hành khách có hành vi vi phạm quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

d) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật này.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt khi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi có các nghĩa vụ sau đây:

a) Niêm yết công khai các quy định cần thiết có liên quan đến hành khách đi tàu;

b) Vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi từ nơi đi đến nơi đến đã ghi trên vé và bảo đảm an toàn, đúng giờ;

c) Phục vụ hành khách văn minh, lịch sự, chu đáo và tổ chức lực lượng phục vụ hành khách là người khuyết tật vào ga, lên tàu, xuống tàu thuận lợi;

d) Bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu của hành khách trong trường hợp vận tải bị gián đoạn do tai nạn hoặc thiên tai, địch họa;

đ) Giao vé hành khách, vé hành lý, vé bao gửi cho hành khách đã trả đủ tiền;

e) Hoàn trả tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh khi gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản của hành khách do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

g) Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hành khách, hành lý, bao gửi khi cần thiết;

h) Các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật này.

Điều 98. Trách nhiệm bảo hiểm trong kinh doanh vận tải hành khách

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính trong giá vé hành khách.

2. Vé hành khách, giấy tờ đi tàu là bằng chứng để chi trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

3. Việc bảo hiểm cho hành khách thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Điều 99. Quyền, nghĩa vụ của hành khách, người gửi bao gửi

1. Hành khách, người gửi bao gửi có các quyền sau đây:

a) Được vận chuyển đúng theo vé;

b) Được miễn cước 20 kilôgam hành lý mang theo người; mức miễn cước lớn hơn 20 kilôgam do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quy định;

c) Được nhận lại tiền vé, bồi thường thiệt hại theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 97 của Luật này;

d) Được quyền trả lại vé tại ga đi trong thời gian quy định và được nhận lại tiền vé sau khi đã trừ lệ phí;

đ) Được bảo hiểm về tính mạng, sức khoẻ theo quy định của pháp luật.

2. Hành khách, người gửi bao gửi có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hành khách đi tàu phải có vé hành khách, vé hành lý hợp lệ và tự bảo quản hành lý mang theo người. Người đi tàu không có vé hoặc vé không hợp lệ phải mua vé bổ sung theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

b) Hành khách có hành lý ký gửi, người gửi bao gửi phải kê khai tên hàng, số lượng hàng, đóng gói đúng quy định, giao cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đúng thời hạn, địa điểm và chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình;

c) Hành khách, người gửi bao gửi phải bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

d) Hành khách phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy đi tàu và những quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 100. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt khi kinh doanh vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Từ chối vận chuyển hàng hóa không theo đúng quy định về đóng gói, bao bì, ký hiệu, mã hiệu hàng hóa và các loại hàng hóa Nhà nước cấm;

b) Yêu cầu người thuê vận tải mở bao gói để kiểm tra trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của việc khai báo chủng loại hàng hóa so với thực tế;

c) Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước phí vận tải và các chi phí phát sinh;

d) Yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuê vận tải gây ra;

đ) Yêu cầu giám định hàng hoá khi cần thiết;

e) Lưu giữ hàng hoá trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng;

g) Xử lý hàng hóa mà người nhận hàng từ chối nhận, hàng không có người nhận theo quy định tại Điều 106 của Luật này;

h) Phạt đọng toa xe do người thuê vận tải xếp, dỡ hàng hoá chậm;

i) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật này.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt khi kinh doanh vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Niêm yết công khai các quy định cần thiết có liên quan đến vận tải hàng hóa;

b) Vận tải hàng hóa đến địa điểm đến và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo hợp đồng vận tải;

c) Thông báo kịp thời cho người thuê vận tải khi hàng hóa đã được vận chuyển đến địa điểm giao hàng, khi việc vận chuyển bị gián đoạn;

d) Cất giữ, bảo quản hàng hóa trong trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc hàng hóa không thể giao được cho người nhận hàng và thông báo cho người thuê vận tải biết;

đ) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải khi để xảy ra mất mát, hư hỏng hàng hoá hoặc quá thời hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

e) Các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật này.

Điều 101. Quyền, nghĩa vụ của người thuê vận tải

1. Người thuê vận tải có các quyền sau đây:

a) Thay đổi hợp đồng vận tải hàng hóa kể cả khi hàng hóa đã giao cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc hàng hóa đã xếp lên toa xe và chịu chi phí phát sinh do thay đổi hợp đồng vận tải;

b) Chỉ định lại người nhận hàng khi hàng hóa đó chưa được giao cho người có quyền nhận hàng trước đó; được thay đổi địa điểm giao hàng hoặc yêu cầu vận chuyển hàng hóa trở lại nơi gửi hàng và phải chịu mọi chi phí phát sinh do thay đổi người nhận hàng và địa điểm giao hàng;

c) Được bồi thường thiệt hại khi hàng hóa bị mất mát, giảm trọng lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng, quá thời hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt gây ra.

2. Người thuê vận tải có các nghĩa vụ sau đây:

a) Kê khai hàng hóa trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai đó;

b) Trả tiền cước vận tải đúng thời hạn, hình thức thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện việc đóng gói hàng hóa và các điều kiện vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

d) Giao hàng hoá cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đúng thời hạn, địa điểm;

đ) Cung cấp giấy tờ, tài liệu và các thông tin cần thiết khác về hàng hóa;

e) Bồi thường thiệt hại do việc kê khai không trung thực về hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra.

Điều 102. Vận tải hàng nguy hiểm

1. Hàng nguy hiểm là hàng hóa khi vận chuyển trên đường sắt có khả năng gây nguy hại tới sức khỏe, tính mạng của con người và vệ sinh môi trường.

2. Việc vận tải hàng hoá nguy hiểm trên đường sắt phải tuân theo quy định của pháp luật về vận tải hàng nguy hiểm.

3. Phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật mới được vận tải hàng nguy hiểm.

4. Hàng nguy hiểm không được xếp, dỡ ở ga đông người, ga trong đô thị.

5. Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và điều kiện vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt.

Điều 103. Vận tải động vật sống

1. Việc vận tải động vật sống trên đường sắt phải có người áp tải. Người áp tải phải có vé đi tàu.

2. Người thuê vận tải tự chịu trách nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống và làm vệ sinh toa xe sau khi dỡ hàng. Trong trường hợp người thuê vận tải không thực hiện thì phải trả cước xếp, dỡ động vật sống và làm vệ sinh toa xe cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

3. Việc vận tải động vật sống trên đường sắt phải tuân theo các quy định về vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường và các quy định về vận tải hàng hoá trên đường sắt.

Điều 104. Vận tải thi hài, hài cốt

1. Thi hài, hài cốt khi vận chuyển trên đường sắt phải có người áp tải. Người áp tải phải có vé đi tàu.

2. Thi hài, hài cốt chỉ được vận chuyển trên đường sắt khi có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật và phải làm thủ tục vận chuyển ít nhất hai mươi bốn giờ trước giờ tàu chạy. Thi hài phải đặt trong quan tài, hài cốt phải được đóng gói theo quy định của pháp luật về vệ sinh phòng dịch và bảo vệ môi trường.

3. Thi hài, hài cốt phải được chuyển đi khỏi ga trong thời gian không quá hai giờ kể từ khi tàu đến ga đến, trường hợp vi phạm quy định này thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có biện pháp xử lý kịp thời và có quyền yêu cầu chủ của thi hài, hài cốt thanh toán mọi chi phí phát sinh.

Điều 105. Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng

1. Việc vận tải hàng siêu trường, siêu trọng trên đường sắt phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp phép.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt khi vận tải hàng siêu trường, siêu trọng phải có phương án tổ chức xếp, dỡ, gia cố, vận chuyển, bảo đảm an toàn chạy tàu và kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 106. Xử lý hàng hoá, hành lý, bao gửi không có người nhận hoặc người nhận từ chối

1. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt báo cho người thuê vận tải biết hàng hoá, hành lý, bao gửi đã được vận tải đến nơi trả hàng mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận hàng thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có quyền gửi hàng hoá, hành lý, bao gửi vào nơi an toàn, thích hợp và thông báo ngay cho người thuê vận tải biết; mọi chi phí phát sinh do người thuê vận tải chịu.

2. Sau thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt báo cho người thuê vận tải mà không nhận được trả lời hoặc không nhận được thanh toán chi phí phát sinh thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có quyền bán đấu giá hàng hoá, hành lý, bao gửi để trang trải chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật về đấu giá; nếu hàng hoá, hành lý, bao gửi thuộc loại mau hỏng hoặc chi phí ký gửi quá lớn so với giá trị hàng hoá, hành lý, bao gửi thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có quyền bán đấu giá trước thời hạn quy định tại khoản này, nhưng phải thông báo cho người thuê vận tải biết.

3. Hàng hoá, hành lý, bao gửi thuộc loại cấm lưu thông hoặc có quy định hạn chế vận chuyển mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận thì được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Điều 107. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, hư hỏng hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi trong quá trình vận chuyển trong những trường hợp sau đây:

1. Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi;

2. Do bắt giữ hoặc quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi;

3. Do xảy ra sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự;

4. Do lỗi của hành khách, người thuê vận tải, người nhận hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi hoặc do lỗi của người áp tải được người thuê vận tải hoặc người nhận hàng cử đi.

Điều 108. Giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải bồi thường đối với mất mát, hư hỏng hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi theo quy định sau đây:

a) Theo giá trị đã kê khai đối với hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi có kê khai giá trị; trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế thấp hơn giá trị đã kê khai thì mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại thực tế;

b) Theo giá trị trên hóa đơn mua hàng hoặc theo giá thị trường tại thời điểm bồi thường đối với hàng hóa không kê khai giá trị mà chỉ kê khai chủng loại và trọng lượng, tuỳ theo cách tính nào cao hơn;

c) Đối với hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi không kê khai giá trị, không có hoá đơn mua hàng thì mức bồi thường được tính theo giá trị trung bình của hàng hoá cùng loại nhưng không vượt quá mức bồi thường do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

2. Ngoài mức bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải hoàn lại cho hành khách, người thuê vận tải cước, phụ phí vận chuyển hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi bị thiệt hại.

Điều 109. Giải quyết tranh chấp

1. Các tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động đường sắt được giải quyết theo các hình thức sau đây:

a) Thông qua thương lượng, hoà giải;

b) Yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 110. Thời hạn khiếu nại

1. Thời hạn khiếu nại do các bên thoả thuận, trường hợp các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

a) Ba mươi ngày, kể từ ngày xảy ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của hành khách;

b) Sáu mươi ngày đối với hàng hoá bị mất mát, hư hỏng, kể từ ngày hàng hoá được giao cho người nhận hoặc ngày mà lẽ ra phải được giao cho người nhận;

c) Ba mươi ngày đối với hành lý ký gửi, bao gửi bị mất mát, hư hỏng, kể từ ngày hành lý ký gửi, bao gửi được giao cho người nhận hoặc ngày mà lẽ ra phải được giao cho người nhận.

2. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm giải quyết.

Điều 111. Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại.


Share
Download Tài liệu hướng dẫn tập huấn đào tạo lái xe
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe

Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Luật đường sắt - Chương 7 - KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT"

Đăng nhận xét